357 Lê Hồng Phong, P.2, Q.10, TP.HCM 1900 7060 info@duhoctrungquoc.com

Tham quan các kiến trúc cổ đại Trung Quốc

Mục lục bài viết

    Nghệ thuật kiến trúc cổ đại Trung Quốc đã hình thành và phát triển suốt mấy ngàn năm. Trong suốt những năm tháng đằng đẵng của lịch sử, các kiến trúc sư Trung Quốc đã sáng tạo nên vô số công trình kiến trúc đa dạng và độc đáo. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã có 99 thành phố lịch sử, 750 di tích văn hóa và 119 khu danh lam thắng cảnh mở cửa cho khách du lịch. 

    Vạn Lý Trường Thành - Cửa ải khó vượt nhất thế giới

    Vạn Lý Trường Thành là kiến trúc cổ đại Trung Quốc được xây dựng khoảng hơn hai ngàn năm trước vào thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc. Trong thời kỳ đầy biến động ấy, những đoạn thành lũy được xây dựng để đề phòng sự tấn công từ các bộ tộc du mục phía Bắc. Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, ông đã ra lệnh nối các đoạn thành lũy ấy lại thành một hệ thống thành lũy kiên cố.

    Vạn Lý Trường Thành

    Vạn Lý Trường Thành được xây dựng đầu tiên vào thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc

    Sau những năm tháng thăng trầm của lịch sử, thành lũy được xây dựng từ thời Tần Thủy hoàng bị tàn phá nghiêm trọng, đến thời Minh mới được trùng tu với quy mô lớn. Vạn Lý Trường Thành dài hơn 21,000 km, cứ cách 200 m sẽ có một lầu gác bốn góc, độ cao của tường thành khoảng 7.5 m, độ rộng khoảng 5.5 m.

    Mỗi năm Vạn Lý Trường Thành thu hút vô số du khách Trung Quốc và du khách thế giới đến chiêm ngưỡng và trải nghiệm văn hóa. Sự hùng vĩ của nơi đây xứng đáng là một kỳ tích của thế giới. Thế sự đổi thay, vật đổi sao dời, đến nay khi đặt chân lên di tích xưa cũ này, bạn không chỉ cảm nhận được sự vĩ đại của nghệ thuật kiến trúc cổ đại, mà còn cảm nhận được tinh hoa văn hóa và sự tài trí của các bậc quân vương xưa. Đây chắc chắn là một điểm đến lý thú dành cho khách du lịch quốc tế cũng như du học sinh các nước khi đến học tập tại Trung Quốc.

    Cố Cung - Cung điện lớn nhất thế giới

    Nếu bạn là một người yêu thích kiến trúc cổ đại Trung Quốc, chắc hẳn bạn sẽ tò mò về cung điện cổ lớn nhất thế giới ở Trung Quốc - Cố Cung - với tên gọi cũ là Tử Cấm Thành, nơi đây là quần thể kiến trúc cung điện cổ lớn nhất còn tồn tại, tọa lạc tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Lịch sử ra đời của Cố Cung có thể truy ngược về thế kỷ 15, đây là nơi cư trú của các hoàng đế nhà Minh với tổng diện tích 720,000 mét vuông và 9,999 căn phòng. 

    Tổng diện tích Cố Cung

    Tổng diện tích Cố Cung là 720,000 mét vuông với 9,999 căn phòng

    Đa số các công trình kiến trúc cổ đại Trung Quốc như chùa chiền và cung điện xây dựng bằng gỗ đều đã chôn lấp giữa khói lửa chiến tranh, chỉ có Tử Cấm Thành vẫn sừng sững hiên ngang sau ngần ấy năm đạn lạc. Cung điện tường đỏ ngói vàng ấy mang trong mình ký ức hơn sáu trăm năm, vẫn tiếp tục hoàn thành sứ mệnh gìn giữ tinh hoa văn hóa Trung Hoa của mình. 

    Cung điện Potala - Trái tim của Phật giáo Tây Tạng

    Nhắc đến Tây Tạng, bạn sẽ liên tưởng đến điều gì? Nhạc kịch Tây Tạng xa xưa, âm thanh du dương của tiếng sáo tiếng tiêu, thảo nguyên bao la xanh ngát hay người Tây Tạng với nền văn hóa huyền bí của họ? Tất cả những điều nhắc trên đều là biểu tượng của Tây Tạng, nhưng sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến Cung điện Potala, nơi gìn giữ những câu chuyện và ký ức riêng của Tây Tạng. Đây cũng là “trái tim” của Phật giáo Tây Tạng. 

    Cung điện Potala

    Cung điện Potala là nơi gìn giữ những câu chuyện và ký ức riêng của Tây Tạng

    Potala là cung điện cao nhất thế giới tọa lạc ở Lhasa, Tây Tạng. Nó mang phong cách kiến trúc tiêu biểu cho Phật giáo Tây Tạng, mang đậm nét đặc trưng của phương Đông. Cung điện có hơn 1,000 phòng, bao gồm nhiều nhà nguyện, đại sảnh và những căn phòng nhỏ. Cung điện Potala lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo có thể khiến những vị khách ghé thăm phải kinh ngạc, trong đó có các bức tượng Phật, đồ cổ và những bức bích họa. Hơn 600 bức tranh được vẽ trên tường trong cung điện ghi lại dấu ấn của nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử Tây Tạng, cũng như câu chuyện về cuộc sống của các vị Đạt Lai Lạt Ma trước đây. 

    Phong cách kiến trúc của Cung điện Potala

    Cung điện Potala mang phong cách kiến trúc tiêu biểu cho Phật giáo Tây Tạng

    Cung Potala là một kiến trúc cổ đại Trung Quốc có vị trí quan trọng trong lịch sử Trung Hoa, cung điện hiên ngang hùng vĩ dưới nền trời xanh mây trắng, toát lên nét linh thiêng và thần bí của một thánh địa Phật giáo. Như một bức tranh trầm mặc của lịch sử, trải qua nghìn năm, cung điện vẫn đứng vững, vẫn hằng ngày kể lại câu chuyện của nàng công chúa Văn Thành chấp nhận gả đến phương xa vì nền hòa bình hữu nghị của hai dân tộc Hán - Tạng. Một chuyến hành trình đến Tây Tạng sẽ là trải nghiệm tuyệt vời và khó phai cho các bạn du học sinh quốc tế.

    Hoàng Hạc Lâu - Thiên hạ tuyệt cảnh

    Hoàng Hạc Lâu được xây dựng từ thời Tam Quốc với kiến trúc ba tầng và được chạm trổ bằng gỗ, trên đỉnh làm bằng đồng. Lầu Hoàng Hạc ngày nay đã được trùng tu nhiều lần, sửa chữa thành năm tầng, nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc xưa cũ và khắc ghi dấu ấn lịch sử cũng như nét đẹp văn hóa Trung Hoa.

    Hoàng Hạc Lâu

    Hoàng Hạc Lâu được xây dựng từ thời Tam Quốc với kiến trúc ba tầng và được chạm trổ bằng gỗ

    Trải qua gần hai nghìn năm mưa nắng gió sương và biết bao biến động lịch sử, Hoàng Hạc Lâu vẫn giữ vị trí quan trọng trong nền văn hóa Á Đông với nét đẹp làm say đắm lòng người. Ngày nay, với kỹ thuật xây dựng hiện đại, những tòa nhà chọc trời mọc lên như nấm, nhưng lầu các hùng vĩ mang tên Hoàng Hạc bên dòng sông Dương Tử vẫn là đệ nhất thắng cảnh lôi cuốn ánh mắt và trái tim của biết bao du khách gần xa. 

    Bên cạnh nghệ thuật kiến trúc cổ đại độc đáo, truyền thuyết Tiên nhân cưỡi hạc và hào quang của những bài thơ nổi tiếng do nhà thơ của nhiều triều đại lưu lại nơi này đã góp phần tăng thêm giá trị nội hàm văn hóa cho Hoàng Hạc Lâu và đưa nơi đây trở thành "Giang sơn đệ nhất lâu":

    “Hạc vàng ai cưỡi đi đâu,

    Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.

    Hạc vàng đi mất từ xưa!

    Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.

    Hán Dương sông tạnh cây bầy,

    Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non.

    Quê hương khuất bóng hoàng hôn,

    trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?”

    Giá trị nội hàm văn hóa của Hoàng Hạc Lâu

    Giá trị nội hàm văn hóa của Hoàng Hạc Lâu đã đưa nơi đây trở thành "Giang sơn đệ nhất lâu”

    Mỗi công trình kiến trúc cổ đại Trung Quốc là một tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị mà mỗi triều đại lịch sử đi qua đã ghi dấu lại sự tồn tại của mình trong lịch sử dân tộc Trung Hoa. Tham quan kiến trúc cổ đại Trung Quốc không chỉ là chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc, mà còn như đang lật giở một quyển sách sử ghi chép những câu chuyện và ký ức riêng thuộc về từng thời đại mà nó đi qua. 

     

    Tags: kiến trúc cổ đại của Trung Quốc, Vạn Lý Trường Thành, Cố Cung, Cung điện Potala, Hoàng Hạc Lâu, du học Trung Quốc, khám phá trung Quốc, du lịch Trung Quốc

    Tư vấn miễn phí

    Để lại số điện thoại
    để được Phuong Nam Education liên hệ tư vấn

    Hoặc gọi ngay cho chúng tôi:
    1900 7060

    Gọi ngay
    Zalo chat