357 Lê Hồng Phong, P.2, Q.10, TP.HCM 1900 7060 info@duhoctrungquoc.com

Khám phá trang phục của một số dân tộc tại Trung Quốc

Mục lục bài viết

    Trung Quốc là một quốc gia có nền văn hóa lâu đời và phức tạp nhất trên thế giới, được thể hiện qua ẩm thực, chữ viết, tư tưởng triết học,... Trong đó, do sự khác nhau về phong tục tập quán, văn hóa, khí hậu và các lý do khác nên trang phục của các dân tộc tại Trung Quốc đã hình thành nên những phong cách khác nhau, đa dạng về màu sắc và mang tính đặc trưng riêng của từng dân tộc. Hãy cùng Phuong Nam Education tìm hiểu trang phục của một số dân tộc tại Trung Quốc để thấy rõ sự phong phú này nhé.

    Trang phục của dân tộc Hán có lịch sử lâu đời 

    Nhà Hán là triều đại thứ hai ở Trung Quốc và là một trong những triều đại hùng mạnh, có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Trong quá trình phát triển lịch sử, người Hán trở thành tên gọi của tộc người chính ở Trung Quốc và chữ viết của Trung Quốc cũng được gọi là “chữ Hán”. Dân tộc Hán là một dân tộc chưa từng gián đoạn trong lịch sử, cũng là dân tộc chiếm số dân đông nhất tại Trung Quốc, thậm chí là đông nhất thế giới. 

    Kiểu dáng trong trang phục nam và nữ của dân tộc Hán

    Một trong những kiểu dáng trong trang phục nam và nữ của dân tộc Hán

    Trong thời kì này, cùng với sự tiến bộ của xã hội, văn hóa dân tộc địa phương cũng phát triển mạnh mẽ và đạt được những thành tựu cao về nghệ thuật, thẩm mỹ. Trang phục của dân tộc Hán, hay còn gọi là Hán phục, là quốc phục truyền thống được kế thừa từ ngàn đời của dân tộc Hán, thể hiện rõ nhất đặc điểm của dân tộc Hán. Kiểu dáng và phong cách trang phục nam và nữ thời nhà Hán tương tự nhau, họ sử dụng màu sắc, vải và các vật dụng trang trí khác để phân biệt giới tính. 

    Ngày nay người Trung Quốc vẫn thường xuyên mặc Hán phục đi lại giữa phố xá hiện đại

    Ngày nay người Trung Quốc vẫn thường xuyên mặc Hán phục đi lại giữa phố xá hiện đại 

    Đặc điểm chủ yếu của Hán phục là cổ áo chéo, sườn phải, tay áo rộng, thắt lưng,... mang lại cho người khác một ấn tượng tiêu sái, phóng khoáng. Trang phục của dân tộc Hán chia thành lễ phục và thường phục. Nhìn từ kiểu dáng bên ngoài, chủ yếu có kiểu “thượng y hạ thường” (áo khoác và váy dưới rời nhau), kiểu “thâm y” (may thượng y và hạ thường lại thành một mảnh liền), kiểu “nhu quần” (áo ngắn và váy). Phụ kiện đội đầu là một trong những bộ phận quan trọng trong trang phục của dân tộc Hán. Đàn ông thường đội mũ, khăn, nón với nhiều kiểu dáng, tóc của phụ nữ cũng có thể chải thành nhiều kiểu và đeo thêm các phụ kiện lên đó. Kiểu dáng trang phục của dân tộc Hán thay đổi qua các triều đại nhưng vẫn giữ được các đặc điểm cơ bản, tạo nên nét đặc sắc riêng trong trang phục của các dân tộc tại Trung Quốc.

    Trang phục của dân tộc Thái tại Trung Quốc mang đậm nét phong tục tập quán 

    Dân tộc Thái là dân tộc thiểu số duy nhất ở tỉnh Vân Nam, phân bố chủ yếu ở khu vực bãi đất bằng Hà Cốc của phía Nam và phía Tây tỉnh Vân Nam. Châu tự trị Tây Song Bản Nạp và châu tự trị Đức Hoành là những khu dân cư chính của người Thái. Khu vực dân tộc Thái sinh sống là vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới với khí hậu ấm áp, núi rừng rậm rạp, sản vật phong phú. Trang phục của dân tộc Thái cũng đã thể hiện những đặc điểm địa lý này, vừa trang nhã đẹp mắt, vừa chú trọng tính thực dụng, và còn thể hiện được tình yêu cuộc sống, tập tục dân gian của dân tộc. 

    Trang phục của phụ nữ dân tộc Thái với nhiều màu sắc rực rỡ

    Trang phục của phụ nữ dân tộc Thái với nhiều màu sắc rực rỡ

    Trang phục cho nam giới của dân tộc Thái ở các nơi không khác nhau lắm, nhìn chung đều giản dị, phóng khoáng, thân trên là áo tay ngắn không cổ vạt đối hoặc vạt chéo, thân dưới là quần rộng lưng và không có túi. Họ thường dùng vải trắng, đỏ hoặc xanh lam để quấn đầu và bốn mùa đều đi chân trần. Loại trang phục này giúp thoải mái khi đi làm đồng, cũng khiến người mặc trông khỏe khoắn và phóng khoáng khi nhảy múa. Phụ nữ dân tộc Thái sẽ mặc áo lót bó sát người, bên ngoài khoác một cái áo tay hẹp vạt đối hoặc vạt chéo màu sáng, phía dưới mặc một chiếc váy ống sặc sỡ với nhiều hoa văn được dệt trên váy. Khi tham gia các buổi hội họp hay đi chơi, bạn có thể mang giày, dép da thời trang, cầm dù hoa trên tay để che nắng, vừa thể hiện phong cách xinh đẹp vừa thuận tiện di chuyển nhiều nơi.

     

    Người dân mặc trang phục truyền thống tham gia Lễ hội té nước của dân tộc Thái

    Người dân mặc trang phục truyền thống tham gia Lễ hội té nước của dân tộc Thái

    Cả đàn ông và phụ nữ dân tộc Thái đều thích đeo trên vai một chiếc túi dệt bằng bông vải khi ra ngoài. Chiếc túi này có màu sắc tươi sáng và kiểu dáng đơn giản, mang đậm sắc màu cuộc sống và nét đặc sắc của dân tộc. Các họa tiết được sử dụng bao gồm chim thú quý hiếm, cây cối hoa lá, sống động như thật. Mỗi họa tiết đều chứa đựng nội dung cụ thể, chẳng hạn như: Màu đỏ và xanh lá là để tưởng nhớ tổ tiên, họa tiết chim công tượng trưng cho như ý cát tường, họa tiết con voi tượng trưng cho mùa màng bội thu,... Những họa tiết này thể hiện nên khát vọng và mưu cầu cuộc sống tốt đẹp của người dân dân tộc Thái. Đây cũng là một điểm đặc biệt trong trang phục của các dân tộc tại Trung Quốc.

    Trang phục của dân tộc Duy Ngô Nhĩ đa dạng về màu sắc và họa tiết

    Dân tộc Duy Ngô Nhĩ sống chủ yếu ở khu tự trị Tân Cương, ở phía nam dãy núi Thiên Sơn. Duy Ngô Nhĩ là một tộc người cổ ở Tây Bắc Trung Quốc, họ tự gọi dân tộc mình là “Duy Ngô Nhĩ”, có nghĩa là “đoàn kết”, “tương trợ”. Tổ tiên của người Duy Ngô Nhĩ có thể bắt nguồn từ dân du mục “Đinh Linh” ở phía Bắc. 

    Trên trang phục của dân tộc Duy Ngô Nhĩ thường có rất nhiều họa tiết

    Trên trang phục của dân tộc Duy Ngô Nhĩ thường có rất nhiều họa tiết

    Trang phục của dân tộc Duy Ngô Nhĩ có hình thức rõ ràng, hoa văn đa dạng, màu sắc rực rỡ, khéo léo tinh tế, có thể nhìn ra được quy luật diễn biến và phát triển của nó. Trang phục của dân tộc Duy Ngô Nhĩ thường khá rộng rãi. Nam giới mặc tương đối đơn giản, chủ yếu có áo khoác dài, áo choàng, áo ngắn, áo cánh, áo trong,… Áo khoác ngoài truyền thống của dân tộc Duy Ngô Nhĩ được gọi là “cáp phạn”, dài qua đầu gối, tay áo rộng, không cổ không nút, thường mặc cùng một chiếc thắt lưng dài. 

    Phụ nữ dân tộc Duy Ngô Nhĩ thường mặc váy liền bằng lụa hoặc len, thường là màu đỏ, xanh lá, vàng kim, bên ngoài khoác thêm áo cộc tay hoặc áo cánh. Áo khoác dài của phụ nữ chủ yếu là cổ kín và cổ đứng, thường dùng những màu sắc sặc sỡ như đỏ, xanh lá, tím. Dân tộc Duy Ngô Nhĩ không chỉ thích trồng hoa, hơn nữa còn thêu rất nhiều họa tiết hoa ở cổ áo, trước ngực, trên vai, ống tay áo, ống quần…, thể hiện nét đẹp tinh xảo trên trang phục của mình. 

    Mũ Tubeteika không thể thiếu trong trang phục của dân tộc Duy Ngô Nhĩ

    Mũ Tubeteika là một phần không thể thiếu trong trang phục của dân tộc Duy Ngô Nhĩ

    Mũ Tubeteika là một phần không thể thiếu trong trang phục của dân tộc Duy Ngô Nhĩ, cũng là một trong những biểu tượng của vẻ đẹp dân tộc. Họ đội mũ không chỉ để chống lạnh hay tránh nắng, mà nó còn cần thiết trong các nghi lễ cuộc sống, thường phải đeo khi xã giao, thăm hỏi họ hàng, bạn bè hay trong những bữa tiệc lễ hội. Đến đầu thời nhà Thanh, mũ Tubeteika của người Duy Ngô Nhĩ đã có sự phát triển về chất liệu và kiểu dáng, mùa đông thường dùng chất liệu là da và mùa hè sẽ dùng lụa, phía trước thường cài thêm lông chim. Loại mũ này đã giúp dân tộc Ngô Duy Nhĩ tạo nên một nét riêng trong trang phục của các dân tộc tại Trung Quốc.

    Trang phục của dân tộc Tạng đa dạng về kiểu dáng

    Dân tộc Tạng là một trong 56 dân tộc của Trung Quốc, là những thổ dân của cao nguyên Thanh Tạng, phân bố chủ yếu ở khu tự trị Tây Tạng, tỉnh Thanh Hải, phía tây tỉnh Tứ Xuyên,... Đến nay dân tộc Tạng vẫn bảo tồn được nguyên vẹn trang phục của cả nam và nữ. Khu vực Tây Tạng rộng lớn, do khí hậu, môi trường và điều kiện tự nhiên khác biệt, nên để thích ứng với điều này, mỗi vùng miền đều sẽ có những trang phục dân tộc đặc trưng.

    Trang phục của dân tộc Tạng

    Trang phục của dân tộc Tạng có những nét đặc trưng tương ứng với vùng miền họ sinh sống

    Đặc điểm cơ bản trong trang phục của dân tộc Tạng là tay áo dài, rộng lưng, váy dài và ủng dài. Chúng đa dạng về kiểu dáng, trong đó kiểu dáng thể hiện rõ nhất đặc điểm trang phục của dân tộc Tạng là áo choàng Tây Tạng. Loại áo choàng này nam nữ già trẻ đều mặc, thân áo dài, có viền bằng da, không có túi cũng không có nút. Bình thường áo choàng của nam chủ yếu là màu trơn, có viền rộng màu đen, áo choàng của nữ thường có sọc vàng, đỏ, xanh lá và tím ở phần vai áo, vạt dưới và cổ tay. Người dân dân tộc Tạng cũng có thể coi loại trang phục rộng rãi thế này như chăn bông để chống lại gió lạnh lúc nửa đêm. Tay áo choàng rộng rãi giúp cánh tay co duỗi thoải mái, ban ngày nhiệt độ ấm lên có thể cởi một ống tay áo ra để điều hòa thân nhiệt. 

    Trang phục của dân tộc Tạng nổi bật trong các ngày lễ hội

    Trang phục của dân tộc Tạng nổi bật trong các ngày lễ hội 

    Trang phục của dân tộc Tạng có nhiều màu sắc, đặc điểm này được thể hiện nổi bật ở bố cục và cách phối màu. Trong các buổi diễn văn nghệ và lễ hội văn hóa, các trang phục sặc sỡ của người Tây Tạng đều trở thành tâm điểm. Còn đối với trang phục thường ngày, họ sẽ sử dụng màu chủ đạo là xanh lam và trắng, kết hợp với thắt lưng hoặc đường viền lộng lẫy. Ngoài ra, dân tộc Tạng cũng thích đội mũ, chủ yếu là mũ nỉ, mũ da và mũ kim hoa, loại ủng người Tây Tạng mang cũng được gọi là ủng Tây Tạng. Trang sức của dân tộc Tạng chủ yếu là trang sức đội đầu, đeo tai, đeo trước ngực, thắt lưng, vòng tay. Có thể nói, trang phục của dân tộc Tạng đã tạo nên một điểm nhấn nổi bật trong bức tranh tổng thể về trang phục của các dân tộc tại Trung Quốc.

    Trung Quốc có 56 dân tộc với nền văn hóa trang phục vô cùng đa dạng

    Trung Quốc có 56 dân tộc với nền văn hóa trang phục vô cùng đa dạng

    Ngoài ra, Trung Quốc vẫn còn những dân tộc khác với những bộ trang phục cũng không kém phần đặc sắc và độc đáo. Trang phục là thành quả lao động đặc biệt của nhân loại, nó chứa đựng phong tục trong cuộc sống, gu thẩm mỹ, sở thích màu sắc, cũng như các tinh thần văn hóa và quan niệm tôn giáo khác nhau. Trang phục của các dân tộc tại Trung Quốc đa dạng về phong cách, màu sắc, hoa văn, và chúng đã trở thành một điểm sáng trong nền văn hóa lâu đời của đất nước này.

     

    Tags: Trang phục của các dân tộc tại Trung Quốc, trang phục truyền thống của Trung Quốc, văn hóa trang phục của Trung Quốc, Hán phục của Trung Quốc, trang phục của dân tộc Hán, trang phục của dân tộc Thái, trang phục của dân tộc Duy Ngô Nhĩ, trang phục của dân tộc Tạng.

     

    Tư vấn miễn phí

    Để lại số điện thoại
    để được Phuong Nam Education liên hệ tư vấn

    Hoặc gọi ngay cho chúng tôi:
    1900 7060

    Gọi ngay
    Zalo chat